Nhiếp ảnh có thể thay đổi thế giới?

NHIẾP ẢNH CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI?

Ngay từ khi con người phát minh ra máy ảnh, phương tiện này đã được nhanh chóng áp dụng vào những phương thức truyền tải, đưa tin phổ thông như báo chí, sách truyện, hay sáng tạo nghệ thuật. Vốn dĩ bản chất con người luôn tiếp nhận thông tin hình ảnh nhanh hơn văn bản, nên hình ảnh đã từ lâu trở thành một công cụ mạnh mẽ trong tuyên truyền, đưa tin. Chúng ta vẫn thường có thành ngữ, khi mà "một ngòi bút viết còn mạnh hơn ngàn đao kiếm", thì "một hình ảnh chụp còn quyền lực hơn ngàn trang giấy viết". Thế nhưng, sức mạnh của Nhiếp ảnh thực sự lớn đến đâu? Và liệu Nhiếp ảnh có thể thay đổi thế giới?

Còn nhớ vào năm 2015, khi mà cuộc khủng hoảng tị nạn Syria đang diễn ra đỉnh điểm, hàng triệu người dân Syria và Trung Đông phải rời bỏ quê hương chạy trốn sự khốc liệt của cuộc Nội chiến Syria và sự tàn bạo của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tìm cách nương nhờ các quốc gia phương Tây để lánh nạn.

Đứng trước tính hình như vậy, phần lớn chính phủ và dư luận các quốc gia phương Tây lựa chọn cách làm ngơ và từ chối mở cửa biên giới, không tiếp nhận những đoàn người tị nạn này.

Hàng trăm nghìn người phải liều mình vượt qua làn đạn quân thù, qua những miền hoang mạc khô cằn khắc nghiệt của Trung Đông, rồi lênh đênh trên những vùng biển của Địa Trung Hải, né tránh những cơn bão và bọn hải tặc, để rồi cuối cùng khi đứng trước ngưỡng cửa biên giới Châu Âu, thế giới văn minh lại quay lưng với họ. Đó thực sự là một cảnh lầm than, một thảm họa nhân đạo.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi bức hình này được đăng tải:

Bức hình được chụp bởi Nilüfer Demir, một nữ nhà báo và phóng viên của Thổ Nhĩ Kì, trên bờ biển Hy Lạp ngày 2 tháng 9 năm 2015. Hình ảnh đăng tải thi thể một bé trai người Syria khoảng 3 tuổi, được xác định là bị đuối nước do lật thuyền ở ngoài khơi Địa Trung Hải, và xác em được sóng biển đưa lên bờ.

Đã có hàng nghìn những sinh mệnh, và rất nhiều trong số đó là các bé trai, bé gái, phải bỏ mạng khi lênh đênh trên các bờ biển cầu cứu chính phủ phương Tây trong khoảng thời gian này. Thế nhưng, phải đến khi hình ảnh này được đăng tải, dư luận, người dân phương Tây và thế giới mới thực sự cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hình ảnh sinh linh bé bỏng, vô tội, nằm úp mặt trên bờ biển khiến nhiều người xem không khỏi hoảng sợ và xót xa, khi chúng ta hiểu rằng: cuộc đời ngắn ngủi của em sẽ không bao giờ được hưởng những niềm vui và hạnh phúc của thế giới tự do. Và còn rất nhiều những sinh mệnh khác cũng sẽ chịu chung số phận của em, nếu thế giới không hành động.

Ngay lập tức, hình ảnh này đã làm trái tim của nhiều quốc gia phương Tây rung động. Họ ngay lập tức thay đổi chính sách tiếp nhận những người tị nạn, nhiều nước như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kì,... đi đầu trong việc mở cửa biên giới đón những người Syria vào các trại tị nạn tập trung. Người dân phương Tây cũng bắt đầu dang rộng vòng tay đón những người Syria lánh nạn, cho họ nơi nương náu và tạo công ăn việc làm để hòa nhập cộng đồng.

Có thể nói, chính nhờ bức ảnh của Nilüfer Demir mà cô đã cứu sống hàng triệu người dân tị nạn Trung Đông, làm thay đổi hoàn toàn xã hội phương Tây, khiến rất nhiều người tị nạn cũng như những em bé người Syria thoát khỏi số phận của bé trai trong ảnh, và có được tương lai tươi sáng hơn. Hãy thử tưởng tượng nếu hình ảnh này không được đăng tải thì còn bao nhiêu người sẽ mất mạng trên biển.

Và còn rất nhiều những hình ảnh khác đã thay đổi hoàn toàn định hướng xã hội trong những thời khắc then chốt của lịch sử. Từ khi khai sinh nghệ thuật nhiếp ảnh đến nay gần 200 năm, đã vô số những hình ảnh vừa có tính mỹ thuật, vừa mang ý nghĩa thời sự được ra đời.

 
Bức ảnh "Cô gái Afghan" của nhiếp ảnh gia Steve McCurry, chụp năm 1984 trong cuộc chiến tranh Liên Xô - Afghanistan. Một trong những bức ảnh đẹp nhất và nổi tiếng nhất của thế kỉ 20, mô tả chân dung, cuộc sống và hoàn cảnh những người dân tị nạn thời chiến. 

 


Bức ảnh "Đứa trẻ Napalm" được nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út - Nick Ut, của báo AP, chụp năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bức ảnh đạt giải Pulitzer về Hình ảnh Báo Chí Thế giới năm 1973, và đã tạo nên một làn sóng phản chiến dữ dội trong xã hội nước Mỹ cũng như dư luận thế giới, góp phần thúc đẩy việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và chấm dứt cuộc chiến tranh.




Bức ảnh "Trái Đất mọc" (Earthrise) được chụp ngày 24/12/1968 trong chuyến bay của tàu Apollo 8 quanh Mặt Trăng, lần đầu tiên cho chúng ta góc nhìn về hành tinh quê hương nhìn từ các thiên thể khác. Đây là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử, góp phần làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về khoa học, tôn giáo, hệ tư tưởng, cũng như vị trí của loài người trong vũ trụ. Hình ảnh cũng đã thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học công nghệ nửa sau thế kỉ 20 - đầu thế kỉ 21, cũng như truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nhà khoa học, phi hành gia mới.




Bức ảnh "Người Mẹ Nhập Cư" chụp năm 1936 trong thời kỳ Đại Suy Thoái, mô tả hoàn cảnh khốn đốn của rất nhiều gia đình lao động phổ thông thời khủng hoảng kinh tế. Bức ảnh thay đổi cách nhìn nhận và phản ứng của xã hội về những gia đình nghèo, chính là tiền thân của những tổ chức, đoàn thể cứu trợ ngày nay. Thông điệp từ hình ảnh cũng là lời nhắc nhở cho người xem về sự mong manh, cũng như tác động kinh khủng của những biến động nền kinh tế.

Và đây chỉ mới là 1 số trong rất nhiều những hình ảnh thời sự đã làm thay đổi thế giới trong suốt lịch sử gần 2 thế kỉ qua. Nhiếp ảnh là một công cụ vô cùng mạnh mẽ, có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, định kiến, cũng như thúc đẩy hành động của cả xã hội, góp phần xây dựng nên thế giới hiện tại. Điều này càng trở nên chính xác hơn, khi trong thời đại của Internet, Mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện ngày nay, tốc độ truyền tải thông tin ngày càng nhanh và lan rộng. Một hình ảnh xuất hiện đúng thời điểm có thể rẽ hướng lịch sử ngay sau 1 đêm, để lại những kết quả thay đổi cả xã hội. Bất cứ ai đang sở hữu một chiếc máy ảnh, hay một thiết bị ghi hình, là bạn đang sở hữu một công cụ có sức mạnh sáng tạo và quyền năng truyền thông thực sự ghê gớm.

Vậy luôn có một lời khuyên của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng dành cho người đam mê nhiếp ảnh: Hãy chụp thật nhiều, hãy sáng tạo thật nhiều. Càng nhiều hình ảnh được ghi lại, thì càng có cơ hội bạn ghi lại một hình ảnh nào đấy đúng lúc và đúng thời điểm. Và biết đâu, trong số những bức hình mà bạn chụp, sẽ có một hình ảnh nào đấy ghi lại một khoảnh khắc, mà tác động của nó làm thay đổi lịch sử loài người mãi mãi?

Bạn đang xem: Nhiếp ảnh có thể thay đổi thế giới?
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: