-
- Tổng tiền thanh toán:
Nhiếp ảnh đường phố - Tại sao không thử?
Nhiếp ảnh đường phố đang trở nên thịnh hành hơn đối với người mới và các nhiếp ảnh gia dày dạn kinh nghiệm. Nhờ khả năng tiếp cận ít tốn kém, việc chụp ảnh đường phố trở nên dễ dàng hơn khi bạn không cần đến nhiều thiết bị đắt tiền, chỉ máy ảnh thôi là đủ. Không cần đầu tư bối cảnh, hay phải tham gia vào các Studio - Những gì xuất hiện trước mắt bạn chính là bối cảnh sáng tạo của bạn!
Mặc dù được gọi là nhiếp ảnh đường phố (Street photography) nhưng hình ảnh không hoàn toàn được chụp ngoài đường phố mà có thể chụp ở bất kỳ nơi công cộng nào. Theo đó, việc nắm bắt hoặc sáng tạo nghệ thuật ngay từ chính những khoảnh khắc bình dị, đời thường nhất mang đến sự chân thực trong từng khung hình. Hãy sử dụng các tips hay dưới đây để tạo ra các sản phẩm đẹp nhất của bạn nhé.
Lựa chọn thiết bị phù hợp
Nên ưu tiên các dòng máy nhỏ gọn, dễ mang vác, nhưng có chất lượng ảnh đẹp. Tránh các dòng máy quá to và nặng nề, khiến bạn trở nên vất vả, cũng như khiến cho chủ thể sợ hãi và dè chừng. Ưu tiên các dòng máy chắc chắn và có khả năng chống chịu thời tiết với môi trường bên ngoài.
Đánh giá kỹ bối cảnh
Đừng vội cầm máy chụp ngay lập tức. Thay vì việc "ngắm và xả" thiếu suy xét dẫn đến kết quả là hàng trăm tấm ảnh "rác", điều trước nhất là khuyến khích các bạn hãy học tất cả về bố cục, ánh sáng, màu sắc… trong nhiếp ảnh. Sau đó nghiên cứu bối cảnh cần chụp và chờ đợi ở một địa điểm thích hợp để theo dõi ánh sáng và đối tượng chụp. Việc cẩn thận và chỉn chu trong bố cục, kiểm soát ánh sáng tốt giúp bạn tiến bộ nhanh hơn nhiều.
Kiểm tra lại tất cả các thông số và bối cảnh trước khi chụp
Đối với một địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để tạo nên một bức ảnh đẹp, chỉ cần sự tham gia của chủ thể là bạn đã có thể tạo nên một bức ảnh hoàn hảo. Nhưng để thực hiện ra một bức ảnh đẹp, bạn cũng cần có sự chuẩn bị tốt về chỉnh thông số chính xác, điều chỉnh bố cục đúng với ý đồ của mình. Các kiến thức về bố cục và thông số các bạn có thể tham khảo thêm từ nhiều nguồn.
Các bước chuẩn bị có thể tiến hành như sau: đầu tiên bạn xác định độ phơi sáng chính xác, sau đó bạn quyết định đến cách bố cục khung hình, cách mà chủ thể tham gia vào bối cảnh. Tiếp theo, bạn nhìn thử qua kính ngắm viewfinder hoặc liveview, tìm kiếm các điểm dễ gây phân tâm như đốm sáng nhỏ, người, vật, chủ thể không liên quan, biểu tượng,… tiến hành thực hiện các điều chỉnh để loại bỏ cũng như thay đổi vị trí hoặc điều chỉnh tiêu cự ống kính (đối với lens zoom).
Lưu ý về Background phía sau
Thật dễ để tập trung vào chủ đề của bức ảnh mà quên đi mất cảnh nền phía sau. Điều này đôi khi có thể nhìn thấy rõ khi nhìn lại vào những bức ảnh chụp trước đó, ví dụ như: có những chủ thể vô tình lạc vào bức ảnh, người phía sau đang làm gì đó khác, cột đèn hoặc biển báo trên đường, các phương tiện lưu thông trên đường,v..v.
Để loại bỏ những lỗi này, điều cần thiết là bạn cần lưu ý đến cảnh nền của bức ảnh. Trong những shots ảnh đầu tiên khi chụp bối cảnh, bạn cần kiểm tra backgroud rồi sau đó quyết định có nên thay đổi vị trí đứng hay tiêu cự ống kính hay không. Đương nhiên, khi bạn làm điều này càng nhiều, bạn càng nhận ra cách để nắm bắt một khung hình chuẩn nhanh hơn ngay khi bắt gặp một khoảnh khắc hay hó nào đó ở trên đường.
Thay đổi cách nhìn để trở nên khác biệt
Thật dễ dàng để chụp những gì ở ngang tầm mắt, nhưng cũng đồng nghĩa các bức ảnh sẽ trở nên thiếu cá tính và đơn điệu. Sao bạn không thử thay đổi góc nhìn một chút. Với các góc từ trên cao nhìn xuống, góc nghiêng, góc từ dưới lên, từ phải sang, cận cảnh hay toàn cảnh,… Kết quả mà bạn nhận được sẽ thú vị hơn rất nhiều. Nó sẽ giúp bạn thay đổi các quan điểm rập khuôn về cách tiếp cận chủ thể. Hãy nhớ luôn sáng tạo và độc đáo theo cách riêng của bạn nhé.
Khi bạn đi ở ngoài đường, thăm quan buổi triển lãm, viện bảo tàng hay đi phượt hoặc du lịch, những lúc này, việc nhìn cảnh vật xung quanh theo một chiều hướng khác đi sẽ là cơ hội tốt để bạn trau dồi khả năng để chụp một bức ảnh đẹp.
Tự tin khi tiếp cận chủ thể
Nỗi sợ hãi luôn là trở ngại lớn nhất khi lần đầu làm quen với nhiếp ảnh đường phố. Việc thân thiết, gần gũi hơn với những người lạ thật sự khó khăn với nhiều người. Để vượt qua điều này, tips hay cho bạn là hãy tự tin chào hỏi, hòa mình vào không khí xung quanh đối tượng. Nhiều người đi đường có thể tò mò về những gì bạn đang làm. Nhưng đừng rời đi nhanh chóng, cứ bình tĩnh giao tiếp với họ, nếu thích bạn có thể cho họ xem về những gì bạn chụp được.
Có thể điều này không dễ làm được trong ngày 1 ngày 2, nhưng hãy coi đây là 1 bài tập rèn luyện sự tự tin - vừa cải thiện khả năng tiếp cận chủ thể, và cũng rất giúp ích trong các công việc khác của bạn
Hãy lựa chọn một địa điểm nhất định
Việc theo dõi một tuyến đường, khu vực trong một khoảng thời gian cụ thể sẽ giúp bạn nhận ra được những điểm thay đổi nhỏ đáng bất ngờ. Bạn sẽ thấy, cùng một địa điểm, cảnh vật có thể thay đổi ra sao nếu như nhận được lượng ánh sáng khác nhau ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày. Hoặc bối cảnh khu vực sẽ thay đổi như thế nào trong suốt một năm qua từng tháng hoặc từng mùa.
Không chỉ tạo ra các tác phẩm về đời sống thường nhật mà chúng ta cũng có thể nắm bắt được những khoảnh khắc lịch sử của con người, thời trang, thói quen và môi trường sống xung quanh các thành phố, thị trấn ở trên khắp thế giới. Nhiếp ảnh đường phố luôn mang đến những điều bạn không thể lường trước, tuy nhiên chúng ta đôi lúc không cần tính toán quá nhiều về điều đó. Hãy cứ tự nhiên cảm nhận và ghi lại cho mình từng bức ảnh quý giá này.
Nhiếp ảnh đường phố luôn yêu cầu việc liên tục trao dồi các kiến thức nhiếp ảnh cơ bản, đồng thời khuyến khích bạn ra ngoài và trải nghiệm nhiều hơn ở đời sống thường nhật. Đây là thể loại dễ dàng để thực hành hơn các thể loại khác nhưng đòi hỏi bạn phải có đam mê khám phá và cảm nhận tốt về mặt bố cục, màu sắc hình ảnh. Tuy nhiên, hãy cứ vui với những gì bạn đã chụp vì điều quan trọng chính là được làm điều mình yêu thích nhé.