-
- Tổng tiền thanh toán:
ỐNG KÍNH 50MM NÀO TỐT NHẤT CHO LEICA - CUỘC CHIẾN CỦA CÁC VỊ THẦN
Đây là một bài viết của tác giả Kristian Dowling đăng trên trang blog của Steve Huff và thu hút được rất nhiều sự quan tâm, vì tác giả đã hội tụ được hầu hết những ống kính "nhanh", và "đắt nhất" trên thế giới hiện nay và cho làm Battle. Và hấp dẫn hơn, tất cả những ống kính này đều dính tới Leica, đều dành cho ngàm Leica M danh tiếng, đều mang những cái giá khiến cho đại đa số người chơi ảnh chỉ biết "ngao ngán" và "thèm muốn".
Trong khi thần thoại Hy Lạp đã mang đến cho chúng ta những giai thoại về các vị thần (Titans) trong truyền thuyết, có lẽ chính những người Đức mới là những người mang đến những "vị thần thực sự" trong thế giới nhiếp ảnh và ngành công nghiệp xe hơi. Ống kính khẩu độ lớn (fast lenses) cũng giống như những chiếc xe tốc độ cao vậy (fast cars), tất cả đều "đẹp lạ, quyến rũ, tuyệt đỉnh, tuyệt vời, hào nhoáng, phi thường, độc đáo và bất thường". Ống kính hay xe hơi đều có sức hấp dẫn riêng về khả năng của mình, đem đến cho người sử dụng tốc độ cao, sự kiểm soát và sức mạnh tuyệt đỉnh. Đối với những nhiếp ảnh gia luôn muốn thể hiện nhãn quan của bản thân qua những độ sâu trường ảnh rất mỏng, các ống kính khẩu độ lớn là một công cụ vô giá. Tuy nhiên, ai cũng biết, có nhiều thứ khác ngoài khẩu độ và sự tách biệt chủ thể để đánh giá một ống kính. Các ống kính khác nhau thì đều có cá tính khác nhau, màu sắc, độ nét, cách thể hiện vùng nét và out nét... Và có lẽ không có gì thú vị hơn là cùng kiểm chứng, lôi những Titans thật sự trong thế giới nhiếp ảnh hiện nay ra so găng với nhau.
Đối với ngàm Leica M , có rất nhiều hãng đã sản xuất những ống kính khẩu độ lớn cho dòng máy rangefinder này. Có thể kể đến những cái tên phổ biến nhất như Leica, Konica, Canon, Nikon, Zunow, Fuji, Voigtlander và còn nhiều tên tuổi khác. Những ống kính khẩu độ lớn này đều to và nặng hơn rất nhiều so với những đàn anh đàn em khẩu độ f/1.4-f/2.8 tương ứng, do vậy, đây không phải là những ống kính "thuận tiện" nhất cho nhiều mục đích sử dụng. Chất lượng của chúng đương nhiên chỉ tập trung vào một mục đích chính duy nhất, chất lượng hình ảnh khi chụp ở khẩu lớn nhất. Những ống kính này cũng thường cực kỳ đắt, và đôi khi khiến cho người mua/người sử dụng có thể sẽ bị "thiên vị", có nhận thức hay quan niệm sai lầm về giá trị thực của chúng. Sản xuất ra một ống kính có thể hoạt động tốt ở tất cả các khẩu độ là mục tiêu chung của các nhà thiết kế ống kính, và ống kính có khẩu độ càng lớn, thách thức đặt ra càng nhiều. Do vậy, sẽ phải có một số điểm "chưa hoàn hảo" cần phải được chấp nhận. Các ống kính khẩu độ lớn thường có độ cong trường ảnh (field curvature) hoặc độ méo ảnh (distortion) rõ rệt. Độ cong trường ảnh trong trường hợp này đôi khi lại là một yếu tố được người sử dụng khá ưa thích, do nó có thể làm tăng hiệu ứng của vùng bokeh, ví dụ như ống kính Noctilux 50mm f/1.0, ống kính vẫn được mệnh danh là ‘dream lens’, do bokeh rất mộng mị, mơ màng và hơi xoáy nhẹ của nó. Một điểm yếu của ống kính này là nếu như chụp chủ thể ngoài vùng tâm ảnh, ra rìa ảnh một chút, việc lấy nét chính xác sẽ trở nên rất khó khăn, do độ nét sẽ bị kém đi, và đặc biệt là với dòng máy rangefinder, khi cách lấy nét duy nhất của bạn là lấy nét vào tâm rồi mới bố cục lại, việc sai nét chắc chắn thường xuyên xảy ra.
Kristian đã thử nghiệm so sánh này ở Trường Mai (Thái Lan) và trong bài viết này, ông tập trung vào 4 yếu tố sau:
Và dưới đây là 5 ứng viên, 5 ống kính được mơ ước và yêu thích nhiều nhất, đặc biệt là đối với người sử dụng ngàm M rangefinder.
Leica Noctilux-M 50mm f/0.95 (bản Hermes edition được sử dụng trong bài test này)
- Được ra mắt vào năm 2008
- Giá hiện tại trên thế giới là vào khoảng gần 200 triệu
- Ống kính to nhất trong nhóm này, chất lượng hoàn thiện tuyệt vời, có built-in hood và khá dễ để lấy nét.
- Đây là ống kính được sản xuất với thiết kế hiện đại nên sẽ có độ nét và tương phản tuyệt vời tại khẩu lớn nhất
Leica Noctilux-M 50mm f/1.2
- Được sản xuất vào năm 1976 với số lượng chỉ khoảng 1700 chiếc
- Giá hiện tại trên thế giới vào khoảng 400 triệu đồng
- Ống kính Noctilux đầu tiên của Leica, kích thước khá nhỏ, gần bằng chiếc Summilux hơn là chiếc Noctilux f/1.
Leica Noctilux-M 50mm f/1
- Được sản xuất từ 1976 đến 2008
- Giá hiện tại trên thế giới vào khoảng 100 triệu đồng
- Khá lớn, nhỏ hơn Noct 0.95 một chút, hơi khó lấy nét
Konica Hexanon 60mm f/1.2 thiết kế nguyên bản
- Được sản xuất vào năm 1956 với số lượng có hạn, không rõ là bao nhiêu bản, cực hiếm
- Giá hiện tại trên thế giới vào khoảng 270 triệu đồng
- Kích thước khá nhỏ, thao tác sử dụng khá dễ, khẩu độ mượt. Lưu ý đây là ống kính ngàm LTM (M39) nên cần phải có ngàm chuyển LTM sang Leica M để lắp lên dòng máy Leica M rangefinder.
Konica Hexanon 60mm f/1.2 bản nâng cấp
- Được sản xuất ra mắt vào năm 1998 với số lượng chỉ khoảng 800 bản
- Giá hiện tại trên thế giới vào khoảng 220 triệu đồng
- Khá nhỏ, kích cỡ ngang với Noctilux 50/1.2
- Cũng là ống kính ngàm LTM (M39).
- Được thiết kế với công thức hiện đại, tập trung vào độ nét và độ tương phản. Đây là ống kính được thiết kế bởi nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng Yanick Delafoge http://www.yanidel.net . Đã chơi ảnh chắc ai cũng biết quy luật bất thành văn trong thế giới này, "Các bức ảnh tạo nên giá trị ống kính” và thực sự là các tác phẩm tuyệt vời của Yanick đã làm tăng giá chóng mặt ống kính này chỉ sau vài năm ra mắt, với giá khởi điểm chỉ vào khoảng 60 triệu đồng. Theo Yanick chia sẻ, đây là ống kính nét nhất tại f/1.4 trong dòng ống kính với tiêu cự 50mm phổ thông, và sau khi đọc bài này, chắc bạn khó có thể không đồng ý với ông.
Phương pháp so sánh:
- Sử dụng Leica M9 và M Monochrom, chụp chế độ Manual. Độ sáng sẽ được điều chỉnh nếu như điều kiện ánh sáng tự nhiên thay đổi.
- Không sử dụng tripod, đây là so sánh trên thực tế, không phải là một bài so sánh MTF hay độ phân giải
- Tất cả đều được ghi ra giấy, ống kính và thông số sử dụng
- Tất cả đều được chụp tại khẩu lớn nhất, từ f/0.95 đến f/1.2.
Một số lưu ý:
- Thực hiện ngoài trời nên khi điều kiện ánh sáng thay đổi, chắc chắn sẽ có khác biệt về nhiệt độ màu.
- Không so sánh CA.
- Không so sánh tại cùng một khẩu độ. Tất cả đều so sánh ở khẩu lớn nhất để cho thấy "cá tính" cảu ống kính.
- Không so sánh khả năng ngược sáng, flare, ống kính đời mới hơn chắc chắn sẽ thể hiện tốt hơn, sẽ là so sánh không công bằng.
- Không so sánh độ méo, độ cong. Đây chắc chắn đều là điểm yếu của ống kính với khẩu độ cực lớn.
- Ống kính chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi "sample variation", chắc chắn không hoàn toàn 100% mang tính đại diện.
Leica Noctilux-M 50mm f/0.95
Mặc dù có kích thước lớn nhưng sử dụng khá thuận tiện và vòng lấy nét mượt mà. Có built-in hood giống với Summilux 50/1.4 ASPH.
Ống kính có khá ít CA và độ cong trường ảnh, đặc biệt với một ống kính khẩu lớn như f/0.95. Đây là ống kính được "corrected" rất tốt, một ống kính vô cùng phù hợp với những nhiếp ảnh gia làm nghề chuyên nghiệp. Những người đang muốn sử dụng ống kính này vì bokeh của nó cũng có thể nghiên cứu các ống kính khác mặc dù "ít hoàn hảo" hơn như Hexanon 60/1.2 V2.
Màu sắc ấm hơn các ống khác, độ nét thì tuyệt vời. Độ tương phản cũng rất cao với khẩu 0.95, hoàn toàn phù hợp với độ nét của ống kính. Có thể nói tại f/0.95, nó gần đạt đến độ hoàn hảo như Summilux 50/1.4 ASPH tại f/1.4.
Leica Noctilux-M 50mm f/1.2
Đây là ống kính nhỏ nhất trong nhóm, và có xu hướng bokeh hơi giống với ống kính Noct f/1. Đây cũng là ống kính đắt nhất trong bài viết, và do đó, Kristian hơi thất vọng một chút khi ống kính hơi soft ở khẩu lớn nhất, và chưa đạt được sự "cá tính" giống như Noct f/1 và kể cả đàn em Summilux f/1.4. Để mô tả rõ nhất cách ống kính thể hiện, có lẽ nó nằm ở giữa Noct f/1 và f/0.95 with a soft rendering. Đối với một số tiền như thế, chắc chắn nhiều người sẽ đòi hỏi cao hơn ở ống kính này.
Màu sắc hơi thiên tông ấm. Độ tương phản khá cao đối với một ống kính cổ, tuy nhiên thì độ nét vẫn hơi soft tại f/1.2.
Leica Noctilux-M 50mm f/1
Kristian đã có nhiều kinh nghiệm chụp với ống kính này trước kia. Sau khi đã mua đi bán lại khá nhiều lần, ông chia sẻ, đây là một ống kính khá khó sử dụng, do chỉ nên dùng nó tại khẩu độ lớn nhất để tạo được hiệu ứng "dream bokeh" đã tạo nên tên tuổi của nó, còn khi khép khẩu nó không thật sự quá ấn tượng.
Do độ cong trường ảnh cao, và CA khá rõ, vùng out net rất mượt mà, có độ xoáy nhẹ, đặc biệt khi đặt chủ thể ở tâm hình và có hậu cảnh tương xứng. Ống kính này không nét, nhưng có thể gọi là "nét vừa đủ", và thực sự là một phiên bản "nâng cấp" so với đàn anh Noct f/1.2.
Lấy nét chưa được mượt như Noctilux f/0.95 và vòng lấy nét khá dài nên thao tác khó khăn hơn. Ống kính cũng khá to và nặng. Ống kính cho hiệu ứng hình ảnh khá "modern", màu sắc trung tính, độ tương phản vừa phải tại khẩu lớn nhất, phù hợp với bokeh của ống.
Konica Hexanon 60mm f/1.2 thiết kế nguyên bản
Đây là một ống kính cực kỳ hiếm, thi thoảng mới xuất hiện. Đây là một ống kính rất thú vị, với hiệu ứng glow khá độc đáo của nó, và đặc biệt hơn là độ nét tuyệt vời ở trong hiệu ứng glow đó. Độ tương phản rất thấp, nhưng lại cực kỳ phù hợp khi chụp trên những máy như M Monochrom, và không tuyệt lắm khi chụp trên M9. Nó sẽ cần phải hậu kỳ thêm một chút để có được bức hình ưng ý, đặc biệt là khi chụp màu. Tương phản thấp nên đương nhiên vùng tối sẽ có nhiều chi tiết hơn, một ưu điểm thực sự với những người thích chụp đen trắng.
Konica Hexanon 60mm f/1.2 bản nâng cấp
Đây có thể coi là ống kính được săn đón và kỳ vọng nhất đối với những người sử dụng Leica M do hiệu năng cực cao của nó. Kristian cũng cho biết đây có lẽ là ống kính "standard" tuyệt nhất ông từng sử dụng. Thao tác cực kỳ thuận tiện, phải nói là tuyệt vời. Mặc dù không nhỏ làm nhưng nó cực kỳ vừa với bàn tay và vòng lấy nét thì khó có thể chê được. Nó cũng nhẹ hơn rõ so với Noct f/1 và f/0.95.
Độ nét và độ tương phản từ trung bình đến cao, và vùng out net (bokeh) thì rất đẹp. Khi khép xuống f/1.4 thì độ nét cực tốt. Kristian thích nhất ở ống kính này chính là bokeh của nó, mượt "như tranh vẽ", bokeh và hình thái được định hình rõ ràng hơn so với các ống Noctilux. So sánh với V1, V2 thực sự là một ống kính hoàn toàn khác. Nó có thiết kế đời mới, và rõ ràng là phù hợp hơn trong bất kỳ các tình huống chụp nào. Màu sắc tự nhiên, rất tự nhiên nếu so với màu ấm và thiên tông nóng như Noct 0.95.
SO SÁNH
Hexanon 60/1.2 V1 vs V2
V1
V2
SO SÁNH CẢ NHÓM
60 V1
60 V2
Leica 50 f/0.95
50 f/1
50 f/1.2
100% Crop
SO SÁNH TRÊN LEICA MONOCHROME
Noctilux 50 0.95
Noctilux 50 f/1
Noctilux 50 f/1.2
Hexanon 60 1.2 V1
Hexanon 60 1.2 V2
KẾT LUẬN VỀ KẾT QUẢ VÀ ỨNG DỤNG
Có lẽ thật khó mà chọn được một ống kính chiến thắng thực sự ở đây. Noctilux 0.95 có lẽ sẽ là lựa chọn mạnh mẽ nhất, tuy nhiên còn nhiều thứ để nói về một ống kính hơn là chỉ nhìn vào các tiêu chí kỹ thuật. Các ống Konica Hexanon thật sự rất tuyệt nếu so với trọng lượng, hay giá thành của nó, và ống kính Noct f/1 hay f/1.2 cũng là những ống kính vô cùng độc đáo, có khả năng và thế mạnh riêng, đủ sức hấp dẫn đối với nhiều nhiếp ảnh gia khác nhau.
BẢNG TỔNG QUÁT SO SÁNH VỀ CÁC CHỈ TIÊU/TIÊU CHÍ (ĐỘ NÉT - TƯƠNG PHẢN - ĐỘ MƯỢT BOKEH - CÁ TÍNH BOKEH - GLOW - CÁ TÍNH TỔNG HỢP - MÀU SẮC)
Ứng dụng trên thực tế, các ống kính này đều rất khó lấy nét, đặc biệt là với những người mới bắt đầu làm quen với hệ thống rangefinder. Độ nét quá mỏng, vùng nét quá ít khiến cho việc lấy nét và bố cục lại là cực kỳ khó khăn, chưa kể việc focus shift hoàn toàn có thể xảy ra với những ống kính khẩu lớn.
Việc sử dụng những ống kính khẩu độ lớn như thế này ở trên thực tế, theo quan điểm của Kristian, nó cũng hiếm như khi sử dụng ống kính fisheye vậy. Chụp ở khẩu cực lớn có lẽ là một kỹ thuật khá "thơ mộng" và nên được sử dụng cực kỳ cẩn thận, không nên sử dụng thường xuyên, trừ phi chụp chân dung và hậu cảnh không thực sự liên quan gì đến chủ thể cho lắm. Và trên thực tế, có lẽ bạn cũng nên khép vào từ 1-2 stop để đảm bảo độ nét và bức ảnh sẽ không bị out net dẫn đến hỏng hết tất cả các kết quả quan trọng trong một buổi chụp.
Nói thì nói vậy, tuy nhiên ý kiến của bạn thì sao? Ống kính nào cho bạn ấn tượng tốt nhất? Khi chúng ta sở hữu một "siêu phẩm", một Titan, một cục vàng như vậy trong thế giới nhiếp ảnh, chắc chắn ai ai cũng sẽ luôn luôn muốn chụp ở khẩu lớn nhất và đôi khi không bận tâm lắm đến kết quả. Cứ sướng cái đã, phải không nào? Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quên rằng, công cụ tốt chưa chắc ảnh đã đẹp, dù ống kính có đẹp, có đắt, có nét, có bokeh tuyệt vời đến thế nào, việc chụp những bức ảnh đẹp sẽ luôn là trách nhiệm của những nhiếp ảnh gia, của những người chủ sở hữu. Và chắc chẳng ai trong chúng ta muốn bị chê cười, lắm tiền mà ảnh..."lởm", phải không nào?
Nguồn: stevehuffphoto.com