-
- Tổng tiền thanh toán:
Ra mắt Fujifilm GFX50S Mark II: Máy Medium Format trong tầm giá bình dân
Sự kiện X Summit 2021 cũng đánh giấu sự ra mắt chiếc máy cảm biến kích thước lớn tiếp theo của Fujifilm: GFX 50S Mark II. Được coi như sự nâng cấp toàn diện từ chiếc GFX 50S đã 5 năm tuổi, phiên bản tiếp theo đem đến nhiều nâng cấp cải thiện, tính năng tân thời hơn, cùng với đó là một mức giá cực kì hấp dẫn cho một chiếc máy Medium Format. Đây được coi là bước đi rõ ràng nhất của Fujifilm trong ý định đem đến thị trường một chiếc máy cảm biến lớn với giá thành bình dân hơn, dễ tiếp cận với người dùng.
Dòng máy GFX của Fujifilm từ vài năm trở lại đây đã đem đến nhiều tiếng vang cho hãng, song song với dòng X-series cũng rất đình đám và được nhiều người yêu thích. Khi mà các máy Medium Format trước đây có giá thành rất cao, người dùng thông thường rất khó sở hữu, hiệu năng lỗi thời và chỉ phù hợp với môi trường hoạt động trong studio - Fujifilm đã làm điều không ai ngờ tới khi đem đến những lựa chọn máy ảnh Medium Format có tính năng vượt trội so với các đối thủ, kích thước nhỏ gọn hơn trong khi giá thành chỉ bằng 1 phần. Khởi đầu với chiếc GFX 50S, GFX 50R, kế đến là chiếc GFX 100, GFX 100S, và bây giờ là chiếc GFX 50S Mark II.
Về thiết kế, so với phiên bản GFX 50S thì GFX 50S Mark II có thiết kế tương đối khác. Fujifilm đã sử dụng thiết kế của thân máy GFX 100S cho GFX50S Mark II tạo cho máy ảnh có một hình dáng giống như máy ảnh DSLR full-frame và một số máy ảnh mirrorless full-frame mặc dù có cảm biến hình ảnh lớn hơn. Điều này sẽ giúp người dùng quen sử dụng hệ thống máy ảnh DSLR có thể sử dụng Fujifilm GFX50S Mark II một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Không giống như Fujifilm GFX 50S, mặt trên của GFX 50S Mark II trang bị nút xoay chế độ cơ bản và kính ngắm điện tử (EVF) với màn hình LCD 1.8 inch. Màn hình được tích hợp để hiển thị các thông số chụp, biểu đồ,... Nếu như kính ngắm trên GFX 50S có thể tháo rời và thay thế bằng một EVF nghiêng tùy chọn thì kính ngắm trên Fujifilm GFX 50S Mark II được thiết kế cố định với độ phân giải 3.69 triệu điểm ảnh như GFX 100S.
Máy cũng trang bị màn hình cảm ứng 3.2 inch để hỗ trợ bổ sung cho kính ngắm. Các nút chức năng ở phía sau của GFX50S Mark II có thiết kế trực quan hơn cho phép người dùng dễ dàng thao tác. Giống như thân máy GFX 100S, GFX50S Mark II tạo cảm giác cầm nắm thoải mái với báng cầm tay chắc chắn giúp cân bằng trọng lượng của máy ảnh ngay cả khi bạn sử dụng với ống kính nặng. Với trọng lượng 900g, bạn có thể cảm thấy hơi nặng tay khi sử dụng trong thời gian dài, tuy nhiên, so với trọng lượng của các máy ảnh medium format thì đây vẫn là con số lý tưởng. Máy ảnh Fujjfilm GFX50S II cũng sử dụng pin NP-W235 với mỗi lần sạc đầy sẽ chụp được khoảng 460 bức ảnh.
Về khe cắm thẻ nhớ và cổng kết nối, Fujifilm GFX 50S II bao gồm một cặp khe cắm thẻ SD UHS-II ở phía bên phải. Ở phía bên trái của máy ảnh cũng tích hợp đầu vào micrô và tai nghe, USB-C, HDMI (mini) và đầu vào điều khiển từ xa.
Fujifilm đã quyết định sử dụng cùng một cảm biến trên GFX 50S vào GFX50S Mark II. Với cảm biến này, bạn vẫn sẽ có được chất lượng hình ảnh hoàn hảo, với độ sâu trường ảnh nông ở mọi độ dài tiêu cự. GFX 50S II sử dụng cảm biến hình ảnh CMOS 51.4MP. Cảm biến này có kích thước 43.8 x 32.9mm, gấp 1.7 lần kích thước của cảm biến hình ảnh full-frame nhưng nhỏ hơn so với cảm biến hình ảnh định dạng medium format các hãng khác. Cảm biến có dải ISO gốc từ 100-12.800 và có thể mở rộng lên 50-102.400. Kích thước pixel lớn hơn của cảm biến hình ảnh mang lại hiệu suất hình ảnh và tông màu tuyệt vời.
So với các máy ảnh không gương lật full-frame hoặc APS-C thì hiệu suất lấy nét tự động của Fujifilm GFX50S II có thể chậm hơn, tuy nhiên với các máy dòng máy Medium Format khác thì khả năng lấy nét của GFX50S II hoàn toàn vượt trội. Khi được sử dụng cùng với ống kính GF 23mm f/4 R LM WR, tốc độ lấy nét tự động của GFX50S Mark II có thể hoạt động lấy nét tốt ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Máy ảnh nhanh chóng khóa nét vào đối tượng đang chuyển động và theo dõi đối tượng được lấy nét.
Mặc dù GFX50S Mark II được trang bị vi xử lí X-Processor đời 4 mới nhất nhưng máy vẫn chỉ có thể chụp ảnh liên tục ở tốc độ 3fps do khối lượng thông tin thu được từ cảm biến lớn hơn nhiều. Dù tốc độ chụp liên tục ít nhưng Fujifilm đã khắc phục điều này bằng cách cải thiện tính năng ổn định hình ảnh trong thân máy (IBIS). GFX 50S Mark II có cùng một hệ thống IBIS như GFX 100S nhưng hiệu suất ổn định được cải thiện do kích thước điểm ảnh lớn hơn trên cảm biến hình ảnh 51.4MP của GFX 50S II. GFX 50S II hứa hẹn IBIS lên đến 6.5 điểm dừng (so với tối đa 6 điểm dừng trên GFX 100S). Bên cạnh đó, Fujifilm cũng tích hợp chức năng Pixel Shift Multi-shot trên GFX50S II giúp tạo ra hình ảnh 200MP bằng cách chụp 16 ảnh RAW khi cảm biến dịch chuyển 0.5 pixel. Để hỗ trợ khả năng sáng tạo của các nhiếp ảnh giá trong quá trình sử dụng thiết bị, máy ảnh có sẵn 19 chế độ Film Simulations bao gồm cả chế độ Nostalgic Neg đã xuất hiện trong GFX 100S.
Fujifilm GFX50S II với GF23mm f/4 R LM WR, 1/40 giây ở f/4, ISO 100
Giống như GFX 50S, GFX 50S Mark II có thể quay video với Full HD với tốc độ 30 khung hình / giây. Dù không thể quay video 4K như GFX 100S nhưng Fujifilm cũng cải thiện khả năng quay video trên máy ảnh mới với khả năng quay video 8-bit 4: 2: 0 bằng cách sử dụng toàn bộ chiều rộng của cảm biến cho phép video có chiều sâu nhất định. Bên cạnh đó, máy cũng có nhiều các chức năng hỗ trợ cho việc quay video trở nên dễ dàng như cài đặt tốc độ màn trập, tích hợp micrô và có đầu vào micrô và tai nghe, thời lượng ghi ấn tượng lên đến 2 giờ,...
Khi ra mắt, Fujifilm đã áp dụng mức giá $ 3,999 / £ 3,499 / AU $ 6,499 cho riêng thân máy. Một bộ phụ kiện đi kèm với ống kính GF 35-70mm f/4.5-5.6 WR cũng sẽ có sẵn với giá $ 4,499 / £ 3,899 / AU $ 7,299. Đây là mức giá bán khởi điểm thấp hơn so với Fujifilm GFX 50S được bán với giá 6.500 USD / 6.199 bảng Anh vào đầu năm 2017 và cũng là mức giá hợp lý đối với một chiếc máy Medium Format, rẻ hơn cả một số máy Flagship Fullframe của các hãng khác như Sony Alpha 1 hay Canon 1Dx Mark III
Khi so sánh giữa Fujifilm GFX 50S và GFX 50S Mark II, người dùng dễ dàng nhận thấy nhiều điểm khác biệt giữa hai chiếc máy này từ thiết kế thân máy đến một số những tính năng mới. Việc có IBIS sẽ làm cho GFX 50S Mark II trở thành một máy ảnh cầm tay tốt hơn nhiều so với GFX 50S. Trong khi đó, nếu so sánh với GFX 100S thì GFX 50S Mark II lại có nhiều điểm chung từ thiết kế thân máy đến các sắp xếp các nút chức năng. Tuy nhiên, Fujifilm GFX 100S có cảm biến với độ phân giải cao hơn lên đến 102MP và khả năng quay video 4K30p. Nếu bạn không cần độ phân giải cao như vậy hoặc không quan trọng các tính năng video và lấy nét tự động tốt nhất mà hệ thống GFX cung cấp thì Fujifilm GFX 50S Mark II hứa hẹn sẽ là một máy ảnh phù hợp với mức giá hợp lý, dễ tiếp cận trong hệ thống máy ảnh Medium Format.