-
- Tổng tiền thanh toán:
Thủ thuật chụp ảnh đẹp ngay cho người mới chơi
THỦ THUẬT CHỤP ẢNH ĐẸP NGAY CHO NGƯỜI MỚI CHƠI
Nếu bạn là một người mới chơi, mới làm quen với nhiếp ảnh, và kĩ thuật hậu kì của bạn chưa sâu, những khái niện về file RAW, sử dụng Lightroom, Photoshop còn mới đối với bạn. Hay bạn muốn có được nước ảnh đẹp ngay khi chụp trên máy, và muốn việc có thể sử dụng hình ảnh ngay lập tức vào việc đăng lên mạng xã hội hay các mục đích khác. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn một số thủ thuật đơn giản dễ áp dụng, có thể giúp bạn cho ra chất lượng và màu sắc hình ảnh ưng ý ngay trên máy ảnh của bạn nhé!
1. Một số yếu tố thiết bị ảnh hưởng đến chất lượng ảnh
Có một tư duy rất đơn giản nhưng áp dụng rất tốt trên nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành sáng tạo như Nhiếp ảnh: Nếu công cụ của bạn tốt, thì sẽ cho ra kết quả ít phải chỉnh sửa. Việc đầu tư một bộ máy có chất lượng tốt và giá thành hợp lý sẽ luôn cho bạn kết quả tốt ngay sau khi bấm máy, thay vì phải mất công chỉnh sửa hậu kì.
Có những yếu tố như sau bạn cần phải nắm bắt của thiết bị:
- Đối với thân máy: Thông số quan trọng nhất bạn cần để ý là Kích thước cảm biến, đây chính là bộ não của máy ảnh, nơi thu nhận thông tin và xử lí ra hình ảnh kết quả. Nhiều dòng máy có kích thước cảm biến lớn nhỏ khác nhau, và điều này ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh đầu ra.
Quy luật chung là: với kích thước cảm biến càng lớn, độ thể hiện chi tiết càng rõ nét, góc ảnh càng rộng, khả năng thu bắt sáng càng tốt và ít nhiễu hạt, cũng như màu sắc sẽ cho ra càng trong trẻo. Đồng thời việc chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng càng tốt. Hãy cố gắng lựa chọn một chiếc máy có kích thước cảm biến tối thiểu từ 1 inch (1"), cho đến Micro 4/3 (Micro Four Third), APS-C (Crop), và tốt nhất là Full Frame (35mm) - kích thước cảm biến lớn nhất trong các dòng máy phổ thông thường dùng.
- Đối với ống kính: nếu cảm biến được ví như bộ não, thì ống kính chính là đôi mắt của máy ảnh, nơi quyết định chất lượng ánh sáng đi qua và tiến vào cảm biến. Ống kính có tác dụng xác định góc ảnh, độ sâu trường nét (DOF), độ sắc nét, cũng như cả màu sắc của hình ảnh. Hãy xác định dòng ống kính phù hợp mục đích sử dụng của bạn: chân dụng, phong cảnh, macro, hay tele - xóa phông hay sắc nét.
Hãy quan tâm những thông số chính sau: tiêu cự (đơn vị: mm), khẩu độ (đơn vị F), các thông số bổ sung như loại motor (STM, USM, HSM), hệ chống rung (IS, VC, OSS), phiên bản ống kính (đời 1, 2...), ống zoom hay fix,....
Sử dụng đúng thân máy và ống kính, và vận dụng tốt, bạn sẽ cho ra được hình ảnh đẹp ngay từ khi bấm máy, và hoàn toàn nếu đúng điều kiện sáng, có thể thu được hình ảnh không cần chỉnh sửa và dùng được luôn. Nhưng tùy từng ý đồ sáng tạo của bạn, cũng như điều kiện môi trường sáng khác nhau, bạn sẽ cần vận dụng thêm 1 số các thủ thuật dưới đây.
2. Định dạng File
Thường phần lớn các dòng máy ảnh kỹ thuật số ngày nay sẽ luôn có hỗ trợ 2 định dạnh file chính: RAW và JPEG/JPG. Khi mà định dạng file RAW cho phép bạn chỉnh sửa sâu - nhưng cũng sẽ yêu cầu bạn cần có kiến thức nhất định về hậu kì - thay vào đó bạn có thể lựa chọn định dạng file JPEG/JPG, hay còn gọi là file ảnh nén. Định dạng này có lợi thế kích thước file nhỏ và tiết kiệm bộ nhớ, cũng như cho phép bạn áp dụng các tính năng chỉnh nhanh ngay trên máy mà mình sẽ giới thiệu tiếp theo.
3. Đo sáng và phơi sáng (metering & exposure)
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới màu sắc của ảnh chính là việc điều chỉnh phơi sáng cho tấm ảnh. Ảnh thừa sáng (overexposure) thường có màu sắc nhợt nhạt hơn; ngược lại, ảnh thiếu sáng (underexposure) thường cho màu sắc tối thẫm, cả hai trường hợp đều cho ra đời những tấm ảnh không trung thực về màu sắc. Để phơi sáng “đúng sáng”, có một công cụ rất hữu ích mà phần lớn máy ảnh ngày nay đều được tích hợp, đó là "thanh đo sáng" (lightmeter)
Việc thay đổi các thuộc tính như độ nhạy sáng ISO, Tốc độ màn trập (Shutter Speed), và Khẩu độ (Apeture, F) sẽ làm thay đổi tăng giảm thanh đo sáng. Một bức ảnh được cho là "phơi sáng đúng cách" và có sự hài hòa về ánh sáng, thường được chụp khi thang đo sáng hiển thị mức độ sáng trong khoảng từ -1, 0, đến 1. Cao hơn 1 sẽ là bức ảnh cháy sáng, và ngược lại, thấp hơn -1 sẽ là một bức ảnh thiếu sáng. Bạn hãy lưu ý chỉnh các thông số vừa theo đúng mong muốn, ý đồ của mình, nhưng cũng để các thông số cân bằng hài hòa với nhau, để thang đô sáng luôn nằm trong mức ở trên.
4. Cân bằng trắng (white balance / WB)
Cân bằng trắng là một chức năng rất quan trọng bảo đảm màu sắc trung thực khi chụp ảnh kỹ thuật số. Ảnh kỹ thuật số xác định màu sắc dựa vào cảm biến và phần mềm cài đặt trên thân máy. Để máy qui chiếu màu sắc được chính xác, cảm biến và phần mềm trên máy cần “hiểu được” thế nào là màu trắng, từ đó qui chiếu các màu khác một cách trung thực nhất.
Trên máy ảnh kỹ thuật số thường có nhiều chế độ cân bằng trắng (white balance mode / WB mode) khác nhau cho các môi trường ánh sáng khác nhau như: tự động (auto), đèn ảnh (flash), đèn neon (fluorescent), đèn sợi tóc (incandescent), trời có mây (cloudy), mặc định sẵn (preset) hay theo nhiệt độ màu Kelvin, v.v… Bạn nên tìm hiểu và thử nghiệm các chế độ cân bằng trắng khác nhau trên thân máy ảnh của bạn, hoặc sử dụng chế độ điều chỉnh theo nhiệt độ màu Kelvin để hỗ trợ cân bằng trắng hiệu quả. Chỉnh cân bằng trắng cũng giúp cho ra màu sắc ảnh như bạn mong muốn, quyết định tông màu chung, cũng như độ Lạnh/Ấm của hình ảnh.
5. Các chế độ xử lý màu sắc trên máy ảnh
Một công cụ mạnh mẽ khác thường được tích hợp trên máy ảnh hiện đại, đó là tính năng hiệu chỉnh hình ảnh, Tính năng này thường có tên gọi khác nhau trên các dòng máy khác nhau (Picture Style của Canon, Picture Control của Nikon, Picture Profile của Sony,...) nhưng có điểm chung như sau:
- Cho phép thay đổi các thuộc tính của hình ảnh như độ Sắc nét (Sharpness), Độ Tương phản (Contrast), độ Bão hòa màu (Saturation), và Tông màu (Color Tone)
- Thường có các Profile màu được máy soạn sẵn, sử dụng trong các hoàn cảnh chụp phổ thông nhất, thường bao gồm bao gồm: Tiêu chuẩn (Standard / S), Chân dung (Portrait / P), Phong cảnh (Landscape / L), Trung hòa (Neutral / N), Trung thực (Faithful / F), Đen trắng (Monochrome / M), Rực rỡ (Vivid/V),...
- Ngoài ra còn cung cấp các Profile tùy chỉnh cho người dùng tự sáng tạo và lưu lại
- Việc chỉnh các thuộc tính trong Profile sẽ ngay lập tức áp dụng lên các hình ảnh định dạng JPEG/JPG được chụp sau đó.
6. Hãy quan tâm đến bố cục
Và cuối cùng, thì việc trình bày hình ảnh của bạn đúng cách vẫn sẽ cho những kết quả ngay lập tức và mạnh mẽ hơn so với việc hậu kì. Một bức ảnh đẹp cần có sự kết hợp giữa nội dung tốt và màu sắc tốt, trong đó phần nội dung sẽ được quyết định bằng cách xử lí bố cục. Về các thủ thuật bố cục các bạn có thể tham khảo bài viết "10 mẹo bố cục giúp ảnh đẹp hơn" tại đường link: https://mayanhcuhanoi.com/10-meo-bo-cuc-giup-anh-dep-hon , bao gồm những mẹo bố cục đơn giản bạn có thể áp dụng ngay.
Kết luận
Đây là một số thủ thuật giúp ích cho các bạn mới làm quen với nhiếp ảnh có thể cho ra những hình ảnh đẹp ngay lập tức, đúng với ý tưởng của mình ngay từ lúc bấm máy, tránh phải hậu kì phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng chính là những kiến thức nền tảng, mà ngay cả những nhiếp ảnh gia kì cựu lâu năm vẫn luôn nằm lòng và vận dụng. Các bạn hãy thử áp dụng và thực hành liên tục, để cho ra những hình ảnh "ăn liền" đẹp ngay và luôn nhé.