Tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (DoF) cơ bản

Độ sâu trường ảnh, hay còn được đa phần anh em gọi là DoF - Depth of Field. Khái niệm này được định nghĩa theo Wikipedia là thuật ngữ chỉ vùng khoảng cách trong không gian mà mọi vật thể thuộc vùng đó đều hiển ra rõ nét trên ảnh. Vậy thì yếu tố này sẽ ảnh hưởng như nào tới việc chụp ảnh và làm sao chúng ta có thể tận dụng tốt nó? 

Trong mỗi bức ảnh đều luôn có một vùng nhất định được lấy nét và tất cả những vùng còn lại đều được gọi là vùng không lấy nét, hoặc chúng ta vẫn hay gọi là bokeh. Tùy những bức ảnh khác nhau mà chúng ta có DoF khác nhau. Khi vùng lấy nét lớn thì chúng ta thường gọi là DoF dày, còn ngược lại khi vùng này nhỏ thì DoF sẽ mỏng hay còn gọi là DoF nông. 

Có 3 yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh của bạn đó là: khẩu độ, khoảng cách từ đối tượng (chủ thể) tới máy ảnh của chúng ta, và chiều dài tiêu cự của ống kính. Cùng phân tích xem 3 yếu tố này ảnh hưởng như thế nào nhé.

Khẩu độ ảnh hưởng như thế nào tới Độ sâu trường ảnh

Nói qua về khẩu độ (Aperture) thì đây là độ mở của ống kính cho phép ánh sáng đi qua và phản chiếu vào cảm biến của máy ảnh. Tùy mỗi loại ống kính lại có một dải khẩu độ khác nhau và bạn chỉ có thể điều chỉnh khẩu độ trong dải này và theo các mức định sẵn. 

Vậy khẩu độ ảnh hưởng thế nào tới Độ sâu trường ảnh? Một cách đơn giản thì khẩu độ càng mở lớn (tức là f càng nhỏ) thì Độ sâu trường ảnh càng mỏng và ngược lại khi khẩu độ nhỏ (tức là f càng lớn) thì Độ sâu trường ảnh sâu hơn.

Khoảng cách tác động ra sao tới Độ sâu trường ảnh

Nhắc lại thì Độ sâu trường ảnh là vùng lấy nét do đó khi chủ thể của bạn nằm trong vùng lấy nét đó còn những thành phần phía sau không nằm trong đó thì sẽ bị tách ra khỏi vùng này. Và khi chủ thể càng xa những vật phía sau thì Bokeh sẽ càng mờ hơn còn DoF thì vẫn được giữ nguyên.

Độ dài tiêu cự và độ sâu trường ảnh 

Độ dài tiêu cự là khả năng mà ống kính có thể phóng ta chủ thể ở xa. Đơn giản thì độ dài tiêu cự càng lớn thì Độ sâu trường ảnh càng mỏng.

Ví dụ, đối tượng của bạn ở cách xa 10 mét, nếu bạn chọn tiêu cự 50mm và khẩu độ f/4 thì vùng DoF sẽ nằm trong khoảng từ 7,5 -14,7 m và DoF tổng thể sẽ là 7,2 mét. Nếu bạn phóng to lên tiêu cự 100mm từ cùng một khoảng cách đến đối tượng, độ sâu của trường ảnh thay đổi từ 9,2-10,9 m và DoF tổng thể chỉ đạt 1,7 m. Nhưng nếu bạn di chuyển đến khoảng cách 20m từ đối tượng và vẫn sử dụng tiêu cự 100mm, độ sâu của trường ảnh sẽ gần giống như khi bạn ở khoảng cách 10 m và sử dụng tiêu cự 50mm.

Do đó không phải chỉ mỗi khẩu độ mới ảnh hưởng tới DoF đâu. Nhiều bạn mua những ống góc khá rộng với tiêu cự từ 24-35mm và có khẩu lớn từ f/1.8 nhưng vẫn không thể chụp ảnh chân dung xóa phông mịt mù bởi tiêu cự của những loại ống này khá nhỏ nên DoF của ảnh vẫn có độ sâu hơn.

Vậy kiểm soát Độ sâu trường ảnh như thế nào để có chất lượng ảnh tốt hơn?

Sau khi tìm hiểu được 3 yếu tố giúp chúng ta có thể điều chỉnh được mức độ nông và sâu của Độ sâu trường ảnh thì chúng ta sẽ phải điều chỉnh như thế nào, vào trường hợp nào để có thể có chất lượng ảnh tốt nhất.

Khi nào chúng ta nên sử dụng DoF mỏng

Với Độ sâu trường ảnh mỏng, đây luôn là một cách tốt để làm chủ thể của chúng ta nổi bật so với hậu cảnh và đây cũng là kiểu mà chúng ta thường gặp khi chụp chân dung. DoF càng nông thì phần hậu cảnh phía sau chủ thể càng "mù mịt" hơn. Điều này sẽ làm cho chủ thể chúng ta có được sự chú ý nhất định, tránh bị tập trung vào những chi tiết dư thừa ở phần background.

Vậy còn khi nào chúng ta cần sử dụng DoF sâu hơn? 
DoF sâu hơn thì chúng ta sẽ có vùng lấy nét rộng hơn. Vậy đơn giản chỉ là khi chúng ta cần lấy nhiều chi tiết hơn trong một bức ảnh, có thể thay vì chụp chân dung xóa phông bạn lại muốn chụp mẫu của chúng ta với một khung cảnh phía sau rất đẹp chẳng hạn.

Hoặc phổ biến nhất chính là thể loại ảnh phong cảnh. Điều quan trọng của những bức ảnh phong cảnh là càng nhiều phần lấy nét được càng tốt nên đa phần những nhiếp ảnh gia này thường muốn sử dụng những ống kính góc rộng và khẩu độ nhỏ. 

 

Kết luận

Độ sâu trường ảnh chính là khoảng lấy nét trong một bức ảnh của chúng ta.

Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới DoF là Khẩu độ, Tiêu cự và khoảng cách với máy ảnh

Chúng ta nên để DoF mỏng khi muốn đưa chủ thể tách biệt ra khỏi phần phông nền ví dụ như chụp chân dung, chụp động vật, chụp macro..

Ngược lại chúng ta sẽ muốn DoF càng sâu càng tốt khi chụp ảnh phong cảnh chẳng hạn.

Bạn đang xem: Tìm hiểu về độ sâu trường ảnh (DoF) cơ bản
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: