-
- Tổng tiền thanh toán:
Quang sai màu trong nhiếp ảnh
Trong quá trình chụp ảnh chắc hẳn ai cũng từng sử dụng qua những ống kính giá rẻ với chất lượng không quá cao hoặc khi chúng ta mở khẩu quá lớn ở một vài loại ống, sau khi chụp ảnh chúng ta sẽ xuất hiện các đường viền màu xung quanh - thường là màu tím và xanh lá. Hiện tượng này được gọi là quang sai màu hoặc là sắc sai.
Bên trong ống kính máy ảnh có nhiều loại thấu kính được phân thành các nhóm nhỏ khác nhau, những lớp thấu kính này có tác dụng tiếp nhận ánh sáng và phản xạ chúng vào cảm biến. Tuy nhiên do cấu tạo của thấu kính nên ánh sáng không thể đến cảm biến nguyên vẹn và đầy đủ được. Các tia sáng hội tụ không đồng đều gây nên hiện tượng quang sai. Hiện tượng này sẽ nhìn rõ nhất khi ở rìa ảnh còn bản chất thì chúng xuất hiện trên hầu hết bề mặt.
Hai loại quang sai: Quang sai dọc và Quang sai tiếp tuyến
Quang sai dọc
Như chúng ta đều đã học ở vật lý, ánh sáng mặt trời là một dãy quang phổ gồm rất nhiều dải màu trong đó chúng ta sẽ xét tới 7 dải màu chính như dải cầu vồng. Mỗi tia sáng trong 7 màu lại có các bước sóng dài khác nhau và tăng dần từ đỏ đến tím. Và theo vật lý tiếp thì bởi vì bước sóng khác nhau nên khả năng khúc xạ qua từng thấu kính lại có độ sai lệch khác nhau.
Các tia sáng màu lục sẽ hội tụ ngay trên cảm biến, các tia sáng màu đỏ, vàng và cam có bước sóng dài hơn sẽ hội tụ phía sau và do có bước sóng ngắn nên những tia sáng lam, chàm và tím sẽ hội tụ phía trước. Hiện tượng này được gọi là quang sai dọc, viền tím ở trường hợp này vẫn nhẹ và xuất hiện khá ít quanh đối tượng chính, càng về gần trung tâm bức ảnh thì mức độ quang sai càng nhiều. Loại viền tím này thường xuất hiện khi mở khẩu lớn.
Quang sai tiếp tuyến
Ở trường hợp khác, các tia sáng có bước sóng dài ngắn khác nhau cùng hội tụ trên bề mặt cảm biến nhưng bị phân tán không đồng đều. Những màu ám sắc xanh hoặc tím sẽ xuất hiện rõ nét ở vùng rìa – nơi có mức tương phản sáng cao, thay vì tập trung vào trung tâm như loại quang sai dọc. Hiện tượng này được gọi là quang sai tiếp tuyến hay còn gọi là quang sai ngang.
Cho dù ở dạng nào thì quang sai cũng hạn chế chất lượng của hình ảnh, gây cảm giác khó chịu cho mắt người nhìn. Vì thế nếu không thể can thiệp vào cấu trúc hệ thấu kính thì khi chụp ảnh chúng ta cũng nên chú ý một số điểm để hạn chế mức tối đa sự xuất hiện của quang sai.
- Mua những ống kính với chất lượng lớp tráng phủ đặc biệt để hạn chế quang sai.
- Tránh mở khẩu độ quá lớn trừ những trường hợp thật sự cần thiết.
- Tránh để ánh sáng trực tiếp vào ống kính, thay đổi góc chụp.
- Hậu kì lại ảnh sau khi đã chụp.
Mình thường xử lí quang sai bằng phần mềm Adobe Lightroom, trong đây sẽ có thanh công cụ Lens Corrections và bạn có thể khử bứt phần nào hiện tượng viền xanh viền tím ở mục Defringe.
Như các bạn đã thấy sau khi sử dụng chức năng này ảnh chúng ta đã giảm hiện tượng quang sai đi rất nhiều và có thể tiếp tục hậu kì.